Đại cương Bệnh_tật_ở_cá

Một con cá chó bị sưng mồm do nhiễm bệnh

Cá chỉ bị bệnh khi 3 yếu tố sau đồng thời xảy ra: Điều kiện môi trường xấu hay không có lợi. Sức khoẻ của cá không tốt, không có khả năng chống đỡ với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường. Trong môi trường tồn tại đủ nhiều và đủ mạnh các tác nhân gây bệnh. Với xu hướng thâm canh hóa trong nghề nuôi thì bệnh cá xảy ra trong quá trình nuôi, nhất là các bệnh ký sinh trùng.

Các bệnh thông thường nhất có thể tác hại đến cá trong bể nuôi có thể do ký sinh vật xâm nhập vào bể đồng thời với thức ăn sống hay cây trồng lấy từ nước bẩn ở nơi khác, hoặc là nhiễm khuẩn do mốc hoặc môi trường sống chung quanh thiếu vệ sinh và cũng do sự thiếu săn sóc của con người.

Một số bệnh nhiễm khuẩn thường gặp trên các đối tượng nuôi cá ao hồ như lở loét, đốm đỏ, đốm trắng, hoại tử và xuất huyết các vây, hoặc một số bệnh ký sinh trùng như: bệnh trùng bánh xe (trùng mặt trời), sán lá, giun tròn, đỉa cá, rận cá, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng và năng suất thu hoạch. Vi khuẩn là một trong những tác nhân gây bệnh khá quan trọng, cũng có một số ít các loài vi khuẩn là tác nhân khởi phát, bệnh xảy ra thường là do biến động các yếu tố môi trường hoặc do stress nhưng cũng có thể gây chết cao.

Nhiều loại bệnh dù không gây tổn thất lớn nhưng nó làm cho cá chậm lớn, giảm chất lượng thịt cá, tạo cơ hội cho vi khuẩn và virus tấn công. Trong nuôi cá bố mẹ, sản xuất giống nhân tạo hay nuôi thương phẩm, vấn đề dịch bệnh thường xảy ra. Khi nuôi cầ quan sát sự di chuyển hay cách ăn uống để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Cần quan sát cách ăn uống của cá: Khi cho ăn, đếm số lượng cá, nếu con nào không chịu tập trung ăn, rời đàn đi riêng lẻ, lập tức theo dõi chặt chẽ hơn. Quan sát phân của cá khi nuôi trong bể. Màu sắc của phân cũng phản ánh phần nào tình trạng sức khoẻ của cá. Nếu phân bạc màu và lỏng lập tức chú ý đề phòng cá bị đường ruột.